2010/01/10

Truyền thống ngày Học sinh - Sinh viên Việt Nam 09/01

Trường THPT Nguyễn Văn Thiệt
Chi đoàn Giáo Viên
BÀI PHÁT BIỂU KỶ NIỆM 60 NĂM
NGÀY SINH VIÊN HỌC SINH VIỆT NAM 09/01

(09/01/1950 – 09/01/2010)
Kính thưa quý Thầy Cô, các em học sinh thân mến!
Theo lời Bác Hồ dạy "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ", nhưng trải qua suốt chiều dài lịch sử dân tộc, nhất là trong hai giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ lực lượng học sinh, sinh viên đã có những đóng góp thật sự không nhỏ chút nào góp phần vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc.
Nhân dịp chào mừng 60 năm ngày Sinh viên – Học sinh Việt Nam (09/01/1950 – 09/01/2010), tôi xin được phép ôn lại truyền thống hào hùng, không khí rạo rực sôi nổi tràn đầy khí thế yêu nước của 60 năm về trước
Kính thưa quý Thầy Cô, các em học sinh thân mến!

Di ảnh của liệt sĩ Trần Văn Ơn






Liệt sĩ Trần Văn Ơn sinh ngày 29-5-1931 trong một gia đình nông dân ở xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, Bến Tre. Cha anh là Nguyễn Văn Nghĩa, mẹ là Huỳnh Thị Tửu. Sau khi học sơ học tại quê nhà, học tiểu học tại Mỹ Tho, anh lên Sài Gòn học tại Trường Pétrus Ký. Năm 1947, anh tham gia phong trào học sinh yêu nước, gia nhập Hội học sinh Việt Nam-Nam bộ. Năm 1950, anh là học sinh năm thứ nhất Ban Tú tài (lớp Second)
Kính thưa quý Thầy Cô, các em học sinh thân mến!
Sau Ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tầng lớp nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền Cộng hòa non trẻ.
Trong những năm 1949-1950, phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh, sinh viên các đô thị diễn ra liên tục, rầm rộ và rộng khắp, nhất là ở Sài Gòn - Gia Định. Ngày 9-1-1950, Đoàn thanh niên Cứu Quốc và Đoàn học sinh, sinh viên Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn đã tổ chức vận động trên 10.000 nhân dân, trong đó đông đảo nhất là học sinh sinh viên, xuống đường.
Trần Văn Ơn, hội viên Hội học sinh – sinh viên Việt Nam, Nam bộ là một trong những người đi đầu đoàn biểu tình. Đến 13 giờ, thực dân Pháp và tay sai bao vây và đàn áp dã man. Trần Văn Ơn dũng cảm đương đầu với dùi cui, báng súng của kẻ thù bảo vệ những học sinh nhỏ tuổi và nữ sinh thoát hiểm. Bọn giặc đã nổ súng vào đoàn biểu tình và Trần Văn Ơn trúng đạn hy sinh trong vòng tay bè bạn.
Nhân dân Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn đã tiến hành cử hành trọng thể lễ truy điệu Trần Văn Ơn với khí thế sục sôi cách mạng.
Tháng 2-1950, tại chiến khu Việt Bắc, Đại hội Liên đoàn Thanh niên Việt Nam đã quyết định lấy ngày 09/01 là Ngày Học sinh-Sinh viên Việt Nam.
                            
Cuộc biểu tình 09/01/1950
Theo hồi ức của ông Lê Trung Nghĩa – cựu học sinh nội trú Trường Pétrus Ký về sự kiện 09/01/1095:
Khoảng 7g30 sáng 9-1-1950, 30 HS chúng tôi đại diện cho toàn thể HS nội trú Trường trung học Pétrus Ký đã có mặt tại địa điểm tập trung trên đường d’Espagne (nay là Lê Thánh Tôn), trước Nha học chánh Nam Việt.
Tại đây đã có chừng 300 HS các trường trung học Pháp - Việt tại Sài Gòn: Chasseloup Laubat, Marie Curie, Taberd..., Gia Long, Huỳnh Khương Ninh, Việt Nam học đường, Lê Bá Cang, Nguyễn Văn Khuê, Mỹ thuật Gia Định... và một số sinh viên trường luật, trường y dược, trường công chánh, trường khoa học tụ tập. Chúng tôi đến đây để đòi Nha học chánh can thiệp với công an trả tự do cho số anh chị HS đã bị bắt trước đó.
Cuộc thương thuyết bất thành.
Mỗi trường đều có cử HS vào ban đại diện, xin gặp trực tiếp giám đốc Nha học chánh để trao đơn thỉnh nguyện. Số lượng HS đến tham dự càng lúc càng đông, chiếm chật hai bên lề đường. Và rồi, nhiều tấm biểu ngữ giương cao, nội dung: “Yêu cầu thả tự do cho tất cả HS đã bị bắt, cho họ trở lại trường tiếp tục học”, đòi mở cửa trường công, không được vô cớ bắt giữ HS... Vừa để đe dọa, vừa đề phòng, đối phó với mọi trường hợp bất trắc, nhà đương cuộc Pháp - Việt huy động bốn xe vòi rồng và lính chữa lửa đến chốt ở ngã tư d’Espagne - Paul Blanchy (Lê Thánh Tôn - Hai Bà Trưng) và rất nhiều cảnh sát trang bị súng lục, dùi cui (matraque), gậy cầm tay...

Biểu tình trước dinh thủ hiến Nam phần (bây giờ là Bảo tàng TP.HCM)
ngày 9-1-1950 - Ảnh tư liệu

Ban đại diện HS gồm có 11 người, trong đó có ba giáo viên Trường Huỳnh Khương Ninh, một giáo viên Trường Lê Bá Cang và bảy đại biểu HS với thái độ nhã nhặn nhưng kiên quyết, đòi gặp ông giám đốc. Trước tình thế này, ông Nguyễn Thành Giung không còn cách nào khác, phải tiếp đại diện HS. Cũng với thái độ khôn khéo, ông nói rằng không đủ thẩm quyền giải quyết các yêu cầu của HS; đề nghị đoàn HS nên cử đại diện lên gặp thượng cấp và khuyên HS hãy tự giải tán!
Chúng tôi hội ý chớp nhoáng, quyết định đưa đoàn HS đến gặp thủ hiến Nam Việt Trần Văn Hữu. Bấy giờ khoảng hơn 9g, đoàn HS tự xếp vào hàng ngũ kéo nhau đến dinh thủ hiến đường Lagrandière (bây giờ là Bảo tàng TP.HCM, đường Lý Tự Trọng). Các anh cầm biểu ngữ đi trước, ban đại diện HS theo sau đi đường d’Espagne ngang dinh đốc lý (Mairie de Saigon, nay là trụ sở UBND TP.HCM), đến ngã tư quẹo đường Pellerin (Pasteur) tiến đến đường Lagrandière thì gặp chướng ngại. Cảnh sát Pháp - Việt chốt chặn không cho đoàn HS theo đường Lagrandière đến trước dinh thủ hiến. Nhiều xe vòi rồng được điều đến, nằm chực sẵn ở đây.
Đại diện HS thương lượng với viên chỉ huy cảnh sát xin mở đường cho đoàn HS đến trực tiếp trao đơn thỉnh nguyện tận tay ông thủ hiến rồi giải tán ngay. Cuộc thương thuyết bất thành. HS cương quyết tiến bước, phía sau tràn tới làm áp lực. Cảnh sát dàn hàng ngang, mấy tên Tây dùng dùi cui quất tới tấp dồn đoàn biểu tình sang bên kia đường. Chúng bị HS đánh trả bằng gạch, đá, giày dép... Xe vòi rồng bắt đầu xịt nước vào đoàn biểu tình. Ban đầu vòi nước xịt lên cao, tia nước nhỏ, sau xịt thẳng vào đám đông, nước bắn ra rất mạnh làm HS té sấp té ngửa. Nhưng các nữ sinh không sợ, kêu nhau xoay lưng hứng chịu. Cuộc xô xát căng hơn, gạch đá bay tới tấp vào lực lượng cảnh sát đàn áp. Cảnh sát còn ít, lực lượng mỏng, yếu thế co cụm. Trong lúc đó, các xe vòi rồng được đại diện HS thuyết phục ngưng xịt nước, tự động gom đồ nghề, co vòi, trước khi rút lui còn tuyên bố không can thiệp, không đàn áp HS đi trình bày nguyện vọng.

Cảnh sát tập trung chuẩn bị đàn áp - Ảnh tư liệu
“Không giải quyết nguyện vọng, không về”
Lúc bấy giờ HS từ các trường kéo đến có trên số ngàn. Nút chặn của cảnh sát tan vỡ. Đoàn HS đến trước dinh thủ hiến, cử đại diện tiếp xúc, đòi gặp trực tiếp Trần Văn Hữu. Trong sân dinh có rất nhiều quân đội võ trang và cảnh sát Pháp - Việt. Chung quanh dinh đều có lính canh gác nghiêm mật. Trước dinh, đường Lagrandière từ ngã tư Pellerin đến ngã tư Mac Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) dày đặc cảnh sát tay lăm lăm khẩu súng, làm hàng rào. Mấy tên biện chà mặt mày đằng đằng sát khí, chờ lệnh là xông tới đánh đập HS. Trên các “lô cốt” khám lớn Sài Gòn (bây giờ là vòng rào thư viện) Lagrandière - Mac Mahon - d’Espagne - Filippini (Nguyễn Trung Trực) có chong các họng súng máy vào đoàn HS.
Cảnh sát dùng loa kêu gọi HS giải tán và bắn chỉ thiên thị oai. Vẫn không kết quả, chúng chĩa súng bắn trên mặt đường, lửa văng tung tóe, một HS bị đạn lạc trúng vào chân. HS chạy dạt vào công viên sơ cứu ở chỗ mấy cây đa cổ thụ, rồi làm cáng khiêng anh HS đặt trước dinh thủ hiến; la ó, phản đối hành động dã man, khát máu của cảnh sát đã bắn HS vô tội. Trước sự kiện này, toán lính cảnh sát rút vào trong sân dinh, chốt chặn bãi bỏ, thay vào đó cả đội quân lê dương võ trang súng nhẹ làm hàng rào bên ngoài tiền đình dinh thủ hiến. Không khí tự nhiên như lắng xuống, không có thỏa thuận gì mà như có cuộc “ngưng chiến” tạm thời.
Hàng ngàn nam nữ HS tập trung trên sân cỏ công viên. Đầy ắp trên các vỉa hè xung quanh, rất đông phụ huynh và đồng bào các giới đem nước đá, nước chanh, bánh mì, bánh bao... đến tiếp tế, thăm hỏi và động viên. HS các trường tiểu học lân cận hay tin cũng tự động kéo đến ủng hộ các anh, các chị mình tranh đấu. Hàng trăm xe đạp, cặp vở, giày dép HS bỏ liều trên các vỉa hè, chỉ có lèo tèo đôi ba HS coi giữ. Đoàn HS biểu tình như được tăng thêm sức mạnh. Các anh tuyên bố: “Thủ hiến Trần Văn Hữu không giải quyết nguyện vọng chánh đáng, HS không về!”.
12g30, dinh thủ hiến cho người ra gặp đại diện HS thông báo Trần Văn Hữu bằng lòng tiếp đại diện HS trước thềm dinh thủ hiến. Bên cạnh Trần Văn Hữu có cò mật thám Bazin. Cả hai bảo rằng năm HS bị bắt là do tòa án binh giam giữ ở khám lớn Sài Gòn theo lệnh của tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương, tướng Carpentier, nên không thể thả ngay được. Trần Văn Hữu bảo ban đại diện nộp danh sách HS bị bắt cho y xem xét, 15 phút sau HS phải giải tán, đến 13g30 sẽ không còn ai lảng vảng trước dinh. Anh em ước đoán ít nhất cũng có vài ba mươi HS các trường công lập, tư thục đã bị bắt giữ thời gian qua, nhưng trong tay ban đại diện lúc này chỉ có tên năm người. Thực chất tổ chức biểu tình là nhằm vạch mặt bọn bù nhìn thân Pháp nghe lời Tây đánh bắt con em mình; một món quà phủ đầu tặng Bảo Đại, quốc trưởng bù nhìn và chính phủ của ông. Ban đại diện HS không nắm được danh sách các bạn còn đang bị giam cầm. Chúng tôi, Huỳnh Thu Chơn và Lê Trung Nghĩa, được cử cấp tốc đi tìm dược sĩ H.. Chúng tôi chạy vội lại đường Le Grand de la Liraye (Điện Biên Phủ) cũng không có thêm tên HS nào. Anh em chúng tôi chưa hết băn khoăn thì tình hình trở nên khác lạ. Xe nhà binh chạy đến đổ xuống cả đại đội lính lê dương có võ trang. Cảnh sát ở các bót cũng được gọi tới tăng cường. Nhiều tên cầm khiên mây và gậy.
Lúc bấy giờ, theo đồng hồ tay của chúng tôi là 13g20, còn 10 phút nữa mới hết hạn định của thủ hiến Trần Văn Hữu, bỗng nhiên có nhiều tiếng tu huýt hoét lên nghe rợn người, cổng dinh thủ hiến mở toang, hàng trăm cảnh sát tràn ra đường vung gậy, dùi cui quất túi bụi vào học sinh, bất kể nam nữ lớn nhỏ, rượt đuổi tán loạn, đẩy lùi đoàn biểu tình. Một số học sinh bị đánh; một số khác ném gạch đá vào bọn đàn áp, mở đường cho học sinh chạy.
“Tôi lạy người anh hùng dân tộc”
Anh Trần Văn Ơn bị trúng đạn khi đang đỡ học sinh trèo lên đống củi chất sát rào để vượt tường. Có lẽ chúng tưởng lầm anh Ơn lấy củi ném chống lại chúng. Bấy giờ tôi đang lúng túng, nghe súng nổ, rồi có một học sinh mang kính cận chạy nhào lại tôi, la to: “Có anh bị bắn chết rồi”. 16g30, chúng tôi được tin đích xác: anh Trần Văn Ơn, học sinh nội trú lớp seconde Trường Pétrus Ký, bị bắn chết trong cuộc biểu tình. Thi hài anh còn nằm trong nhà xác Bệnh viện Chợ Rẫy, đường Thuận Kiều. Tin còn cho biết thêm có bốn học sinh bị thương ở đầu và 27 học sinh bị thương nặng đang nằm tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Sài Gòn.
Anh em trong ban đại diện học sinh nội trú họp ngay. Một mặt thông báo cho toàn trường, thông báo với ban giám hiệu và tất cả giáo sư, thông báo với báo chí công khai nhờ loan tin khẩn cấp. Mặt khác cử 12 học sinh nội trú từ lớp đệ tam trở lên thay phiên nhau trực 24/24 giờ tại nhà xác, canh giữ thi hài anh Ơn, đề phòng bọn xấu chở giấu đi nơi khác. Cử đại diện liên lạc gia đình anh Ơn; cử đại diện đấu tranh với giới cầm quyền đòi đem xác anh Ơn về quàn (đặt tạm linh cửu) tại Trường Pétrus Ký làm lễ truy điệu năm ngày và an táng trang trọng tại đất thánh Tây (tức nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi - bây giờ là công viên Lê Văn Tám). Bọn chúng không cho quàn (đặt tạm linh cửu) thi hài tại trường, buộc tẩn liệm xong thì chôn ngay ở nghĩa trang Chí Hòa (nghĩa địa công cộng - bây giờ là công viên Lê Thị Riêng).
Ngoi phao 9 1 Ky 2 Tran Van On song mai
Người dân xuống đường trong đám tang anh Trần Văn Ơn - Ảnh tư liệu
Cuộc đấu tranh gay gắt và quyết liệt. Sau cùng bọn chúng nhượng bộ cho quàn (đặt tạm linh cửu) xác ba ngày nhưng để tại nhà vĩnh biệt đường Thuận Kiều, sau đó đưa an táng ở nghĩa trang Chợ Lớn (trước sân banh Renault, nay là sân vận động Thống Nhất). Ngôi mộ anh Ơn nằm trong khu nghĩa trang nay đã cải tạo, xây dựng đại học xá cho sinh viên ĐH Kỹ thuật Phú Thọ (nay là ĐH Bách khoa).
Đại diện học sinh đòi được thiết lập bàn thờ, đặt linh vị Trần Văn Ơn và tổ chức lễ truy điệu tại Trường Pétrus Ký. Toàn thể học sinh Pétrus Ký quyết định để tang tưởng nhớ anh Ơn. Tất cả đều mang băng đen hoặc ở cánh tay, ở ngực áo hay cổ áo. Băng tang do các nữ sinh làm một kiểu, một cỡ. Ban tổ chức thông báo quyết định: học sinh toàn thành phố nghỉ ba ngày để lo lễ tang anh Trần Văn Ơn và lễ tang sẽ được cử hành vào sáng 12-1-1950.
Từ 10 đến 12-1-1950, hàng trăm đoàn đại biểu đại diện cho đồng bào các giới ở Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh lân cận (ở xa thì gửi điện văn, điện tín chia buồn): công nhân, lao động, nông dân, tiểu thương, công kỹ nghệ gia, công - tư chức, trí thức, tôn giáo, các ngành nghề tự do... mang tràng hoa đến viếng, thắp hương tưởng niệm Trần Văn Ơn, dòng người như nước chảy từ sáng đến 9 giờ tối mới dứt (10 giờ là giới nghiêm).
Các anh Nguyễn An Tịnh và Hồng Điểu đã ghi lại trong bài “Một ngày đáng nhớ: 9-1-50” như sau: “Đặc biệt là số người đến viếng, tuy đông như vậy nhưng ai cũng im lặng, nói rất khẽ. Một không khí trầm mặc lắng xuống toàn thành phố. Cả thành phố đều đến với thanh niên học sinh để bày tỏ một tấm lòng. Chúng tôi rất xúc động khi thấy một bà cụ già lom khom đến viếng, cụ vái lạy trước bàn thờ anh Trần Văn Ơn. Chúng tôi vội vã đỡ cụ dậy, xin cụ miễn cho vì anh Ơn tuổi chỉ đáng con cháu cụ, cụ bảo: “Tôi không lạy anh Trần Văn Ơn bình thường. Tôi lạy người anh hùng dân tộc”. Rất nhiều vị trí thức, nhân sĩ tên tuổi của Sài Gòn. Cả ngày 10 và 11-1 dành cho lễ viếng kéo dài đến đêm mà không dứt. Vòng hoa có đến hàng ngàn”.
Năm ấy, anh Trần Văn Ơn 19 tuổi.
1/6 người dân Sài Gòn - Chợ Lớn xuống đường
Sáng 12-1-1950, hàng chục ngàn học sinh sinh viên đã tề tựu chật sân trường và sân vận động trong khuôn viên. Các cụ, cô bác và các lớp tuổi từ 11, 12 trở lên tự động tập trung hàng hàng lớp lớp chật hết các nẻo đường dẫn về Trường Pétrus Ký và dọc hai bên lề đường dẫn về nghĩa trang Chợ Lớn, đông chật người là người. Đúng 7g30, đoàn khởi hành đi theo lộ trình từ Trường Pétrus Ký ra đường Nancy (Nguyễn Văn Cừ), theo vòng xoay đi đường Frédéric Drouhet (Hùng Vương), quẹo đường Armand Rousseau (Nguyễn Chí Thanh) vòng ngã sáu, đi thẳng ngang qua Hãng Bière Larue thẳng đến nhà vĩnh biệt đường Thuận Kiều, nơi quàn (đặt tạm linh cửu) quan tài anh Ơn.
Dẫn đầu là những biểu ngữ do học sinh nội trú cầm giương cao, tiếp đến là xích lô chở bức ảnh bán thân của anh Ơn cùng vò hương tỏa khói nghi ngút, rồi đến gần trăm xích lô chở các tràng hoa. Biểu ngữ đoàn đại biểu giới trí thức cũng do học sinh nội trú Pétrus Ký cầm. Trong số này có cụ bác học Lưu Văn Lang, hai phụ nữ người Pháp là bà Phạm Ngọc Thạch và bà Hoàng Quốc Tân, hàng trăm ngàn người theo sau các biểu ngữ của mình. Đoàn đến ngã sáu tiếp giáp các đường Lacaze (Nguyễn Tri Phương), Le Grand de la Liraye (Điện Biên Phủ) thì gặp 50 học sinh Trường tiểu học Bàn Cờ do thầy cô hướng dẫn, đón tại đây.
Các em tự động xếp hàng đi dọc hai bên xe chở di ảnh Trần Văn Ơn. Xe đi chầm chậm, đoàn người trùng trùng điệp điệp theo sau. Hai bên đường dọc lộ trình, đồng bào đón chờ nối tiếp càng lúc càng đông (báo chí lúc bấy giờ ước lượng có trên 300.000 người. Dân số Sài Gòn - Chợ Lớn hồi đó chưa đến 2 triệu, mà có đến hơn 1/6 người xuống đường thì quả là con số kỷ lục).

Đoàn ngừơi đưa tang anh Trần Văn Ơn xuống đường biểu tình
 Trên ngực áo mỗi người đều có mảng tang đen

Đến 9g30, đoàn học sinh theo di ảnh Trần Văn Ơn dẫn đầu mới đến cổng nhà vĩnh biệt, đã có 10 học sinh nội trú kề vai vào quan tài anh Ơn chầm chậm khiêng ra giữa rừng người và hàng trăm tràng hoa, hàng trăm biểu ngữ. Mọi người xúc động cúi đầu lặng lẽ theo sau quan tài đưa Trần Văn Ơn về nơi an nghỉ cuối cùng. Nghĩa trang Chợ Lớn hồi này chỉ có xóm nhà lá bình dân lao động, đất rộng người thưa. Đất thánh là một vùng rộng thênh thang, có nhiều ngôi mộ và nhiều cây cổ thụ cao ngất. Sân Renault còn là bãi đất rộng, rào giậu đổ nát. Cả trăm ngàn người tụ về một vùng mộ địa hoang vu.
Hàng trăm biểu ngữ, chủ yếu là vải trắng chữ đen, hoặc ngược lại, di chuyển nhấp nhô trên biển người; không có tiếng sóng ầm ào mà có tiếng sóng ở trong lòng. Mọi người lắng nghe theo sự điều động của máy phóng thanh, chấp hành tuân thủ theo lời ban trật tự. Có hàng chục điếu văn đọc trước huyệt mộ anh Ơn, bày tỏ lòng xót thương, tiễn biệt Trần Văn Ơn.
Đám tang anh Trần Văn Ơn được tổ chức lớn lao, được đồng bào đưa tiễn đông đảo là biểu lộ tinh thần yêu nước, như một lời kêu gọi mãnh liệt và tha thiết nhất gửi đến đồng bào cả nước, đặc biệt là giới học sinh sinh viên trí thức đứng lên vì dân tộc, vì Tổ quốc chống ngoại xâm, đồng thời cũng là lời tố cáo trước dư luận trong nước và trên thế giới những hành động vô nhân đạo của thực dân Pháp và tay sai. Ngày 9-1 trở thành ngày lịch sử đấu tranh của thanh niên học sinh sinh viên VN.
Kính thưa quý Thầy Cô, các em học sinh, trên đây là hồi ký của ông Lê Trung Nghĩa – Cựu học sinh Trường Pétrus Ký.
Hiện nay, đất nước chúng ta đã được thanh bình, chúng ta được đi học, được vui chơi với đầy đủ trang thiết bị phương tiện phục vụ việc học tập, giải trí. Không phải đấu tranh từng ngày giành lấy sự tự do, sự sinh tồn như thế hệ Cha Anh ta đã trải qua.
Để xứng đáng với truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, là học sinh các em đã, đang, và sẽ nghĩ gì làm gì để xứng đáng với mồ hôi, xương máu ông cha ta đã đổ xuống.
Nhà trường, các Thầy Cô luôn luôn mong muốn các em mỗi người sẽ là một bông hoa đẹp của quê hương, mỗi người là một tấm gương học tập, lao động, cống hiến cho đất nước cho dân tộc.
Nhân dịp này Thầy chúc các em luôn học giỏi, luôn siêng năng, xứng đáng là con ngoan trò giỏi, xứng đáng là một học sinh năng động thế hệ mới. Xin cảm ơn!
- Lê Ngọc Ẩn -
Tham khảo:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét