Người chăm sóc chủ yếu các thí sinh những ngày trước và trong khi thi không ai khác ngoài cha mẹ, anh chị của các em. Nhiều gia đình đã làm rất tốt nhiệm vụ này; nhưng do những nguyên nhân khác nhau, không ít người đã lúng túng, thậm chí bộc lộ những sơ suất rất đáng tiếc, ảnh hưởng tai hại đến kết quả thi cử của các em
Nên chăm sóc các em như thế nào trong những ngày này? Suy cho cùng, đó chỉ là tiếp nối những gì gia đình đã làm cho các em trong suốt quá trình nhiều năm; chỉ có điều yêu cầu của sự chăm sóc lúc này cần toàn diện, cụ thể và tỉ mỉ hơn hẳn ngày thường.
Ba lời khuyên
1. Phụ huynh nên tạo cho các em sự thanh thản cần thiết. Giả sử các em có gì sai trái cần uốn nắn, nên góp ý nhắc nhở một cách bình tĩnh, nghiêm túc nhưng ôn tồn; tránh quát mắng rầy la nặng lời, gây ức chế có hại.
2. Luôn khuyến khích động viên, để các em tin vào sự cố gắng của bản thân, tránh tự ti, lo sợ vẩn vơ. "Có học, có thi thì có đỗ", đó là hệ quả tự nhiên, tất yếu.
3. Nên ân cần lưu ý các em về thái độ thi cử. Cần khéo léo khơi dậy trong các em lòng tự trọng, quyết tâm đạt kết quả tốt bằng sức lao động của chính mình. Theo sát kế hoạch ôn tập
Từ sau khi thi học kỳ 2 đến trước khi thi tú tài, các em thường có 3 tuần để ôn tập, phụ huynh cần nhắc nhở cũng như thường xuyên kiểm tra hằng ngày để các em dự học có chất lượng các buổi ôn tập ở lớp, đồng thời thực hiện thật tốt những yêu cầu của thầy cô về học bài, làm bài tập. Mặt khác, nên gợi ý để các em tự xây dựng một kế hoạch ôn tập riêng tất cả 6 môn trong 3 tuần ấy. Kế hoạch cho từng ngày, từng buổi, tự ôn luyện kỹ sách giáo khoa, đặc biệt những gì bản thân chưa nắm vững, hoặc ở trường do thời gian hạn hẹp, thầy cô không thể ôn hết. Có như thế mới hy vọng làm bài tốt, nhất là những bài sẽ thi trắc nghiệm.
Quan tâm nền nếp sinh hoạt
1. Bình thường các em có thể nhẩn nha, lãng phí thời gian, nhưng những ngày này số đông các em thường tăng cường độ lao động lên quá mức. Học ngày, học đêm, học đến mê mụ đờ đẫn. Chính vì thế phụ huynh cần nhắc nhở các em làm việc điều độ. Cụ thể, tuyệt đối không học quá khuya, 11 giờ đêm đi ngủ là thỏa đáng và nên dậy sớm từ 5 giờ sáng. Sau ít phút vận động nhẹ, vệ sinh cá nhân và ăn sáng, các em có thể ngồi vào bàn học với đầu óc tỉnh táo, tinh thần sảng khoái. Kinh nghiệm cho biết chất lượng học lúc bình minh thường rất cao.
2. Trong phạm vi khả năng tài chính cụ thể của từng gia đình, các vị phụ huynh nên quan tâm hơn đến việc ăn uống của các em, nâng mức bồi dưỡng trong cả hai bữa ăn chính và các bữa phụ (điểm tâm sáng, ăn nhẹ đêm...). Sức trẻ có thể vượt qua khó khăn, chấp nhận tình trạng quá tải, nhưng nếu được "nạp năng lượng" hợp lý, thể trạng và trí tuệ của các em sẽ được giữ gìn và phát triển tốt, không bị di hại trong tương lai.
3. Nên phân tích để chính các em tự kiềm chế, không lãng phí thời gian vì những cuộc đi chơi dông dài, vô bổ, dù là ngày chủ nhật. Nên canh chừng để các em khỏi sa đà vào các hoạt động giải trí "hấp dẫn" như truy cập internet, chat với bạn bè hoặc xem những trận bóng đá quốc tế lúc nửa đêm... Tuy nhiên, các em vẫn cần có những phút thư giãn nhẹ nhàng giữa buổi tự học. Mươi phút đi dạo hít thở khí trời trong sạch hoặc được ngồi thả lỏng, lắng nghe một bản nhạc mà mình ưa thích, hoặc trò chuyện vui vẻ với người thân trong gia đình... là những hình thức nghỉ ngơi tích cực.
7 việc trong tuần lễ thi
1. Trước khi thi 1-2 ngày, phụ huynh nên đưa các em đi xem địa điểm thi, phòng thi, bảng niêm yết số báo danh. Sau đó cùng các em tính toán thời gian đi lại cần thiết, cũng như lối đi từ nhà đến trường thi hợp lý nhất, để khỏi lúng túng bị động trong các buổi thi.
2. Buổi tối cuối cùng trước ngày thi, phụ huynh nên cùng các em xem lại những vật dụng cần thiết cho tất cả các buổi thi, như: thẻ học sinh, giấy báo thi, bút bi (2-3 cái cùng màu...), bút chì đen loại mềm (2B,... 6B), dụng cụ gọt bút chì, tẩy, com-pa, thước kẻ, giấy thấm lót tay... Có một số vật dụng như: máy tính (loại được phép sử dụng), bảng lôgarit, bảng tuần hoàn Mendeleep, tập Atlas Việt Nam... chỉ mang đi trong những buổi thi cần thiết. Có như thế vào phòng thi các em mới hoàn toàn chủ động.
3. Nhắc các em tuyệt đối không mang đến trường thi sách giáo khoa, tập vở ghi bài, đề cương ôn tập... (hoặc bất cứ tài liệu nào dính dáng đến bài thi), bút xóa, bút đỏ, điện thoại di động, máy nghe nhạc... Chỉ nhắc thôi không đủ, mà nên cùng các em kiểm tra kỹ. Nếu để các em mang những thứ đó đi thi, hậu quả có thể rất tai hại.
4. Có thể cho các em ăn sáng ở nhà hoặc ở quán nào quen thuộc, đáng tin cậy về khâu vệ sinh, nhưng nhất thiết cần chuẩn bị chai nước tinh khiết cho các em mang đi. Kinh nghiệm cho biết, nếu uống lung tung ở những điểm bán giải khát đáng ngờ, các em rất dễ bị tiêu chảy. Mất sức, thậm chí kiệt sức vì "sự cố" này, hậu quả thế nào không nói đã rõ.
5. Trước khi đưa các em đến trường thi, buổi nào phụ huynh cũng nên để ý xem các em ăn mặc thế nào, có nghiêm chỉnh không.
6. Để đồng hồ báo thức, canh chừng các em khỏi ngủ quên (nhất là các buổi thi chiều). Mùa thi nào cũng có em lật đật mắt nhắm mắt mở đến trường khi buổi thi đã bắt đầu. Dù thương các em, nhưng đương nhiên hội đồng thi vẫn không để cho thí sinh đi muộn đó vào phòng thi được.
7. Trước khi đưa con em đi thi, phụ huynh nên dành ít phút để ân cần nhắc các em những điều cần thiết:
Nhớ bình tĩnh đọc kỹ đề thi để có sự chủ động khi làm bài. Cả bài tự luận lẫn bài trắc nghiệm, câu nào dễ làm trước câu nào khó làm sau. Đừng bị sa lầy giữa chừng vì một câu khó nào đó.
Nhất thiết dành 10 phút cuối buổi để đọc lại bài làm. Nếu xong sớm, không vội vàng nộp bài làm gì. Nên đọc kỹ, soát đi xét lại, để sửa lỗi. Sửa được lỗi nào, dù nhỏ, cũng làm tăng giá trị của bài. Trong một kỳ thi, 1/4 điểm cũng quý, thậm chí có thể "lật ngược thế cờ", từ trượt thành trúng tuyển.
Nhất thiết không quay cóp và cũng không cho bạn quay cóp. Không ít thí sinh bị hủy kết quả thi vì cho người bên cạnh xem bài.
Chú ý giữ gìn để có một tư thế đúng mực, một cách ứng xử văn hóa trong phòng thi: Không quay ngang quay ngửa, gây ồn làm phiền người khác. Thưa gửi lễ phép với các thầy cô giám thị khi được hỏi, chào thầy cô nghiêm chỉnh khi vào phòng thi cũng như khi ra về.
Trên đây là một số lưu ý trong mùa thi dành cho quý phụ huynh và các em học sinh được sưu tầm từ Internet. Chúc các em học sinh đạt kết quả tốt nhất trong mùa thi sắp tới!
Nguồn: http://www.tuvangiasu.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét