VÀI SUY NGHĨ VỀ NGHỀ GIÁO
"Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy"
Chẳng biết tự bao giờ những câu thơ trên đã ăn sâu vào trong ký ức của tuổi thơ tôi và hun đúc trong tôi một ước mơ: ước mơ trở thành người thầy giáo.
Tôi ước mơ trở thành thầy giáo, bởi lẽ từ nhỏ hình ảnh những thầy cô giáo đã trở thành tấm gương sáng, chuẩn mực đạo đức cho các thế hệ học trò chúng tôi noi theo. Trong tâm tưởng của tuổi thơ tôi, thầy cô giáo là những người hiền lành nhưng nghiêm khắc, lặng lẽ nhưng đầy say mê, âm thầm nhưng vô cùng vĩ đại. Đó là những người mà quanh năm dù là trời nắng hay trời mưa, nóng bức hay lạnh giá vẫn chiếc áo cũ quen thuộc, vẫn những giọt mồ hôi rơi nhòe trên trang giấy miệt mài ngày ngày đứng lớp, trang bị cho học trò những bài học quý báu, đưa họ đến bến bờ tri thức. Với tôi, thầy cô như người cha, người mẹ thứ hai, những người đã dạy tôi biết đọc, biết viết, truyền thụ cho tôi những kiến thức, tri thức của nhân loại, dạy tôi biết cách ăn, cách mặc, biết đối nhân xử thế, cách ứng xử giaotiếp trong gia đình và ngoài xã hội, là động lực thúc đẩy tôi vươn lên…
Tôi mơ ước trở thành giáo viên còn bởi lẽ tôi thích được làm “người chủ”. Tôi thích tạo nên các tình huống, các sự kiện trong lớp học, tôi khơi dậy sự say mê học hỏi của học sinh, tôi muốn cùng họ khám phá, trao đổi những tri thức vô hạn của nhân loại, tôi xưng “tôi” và gọi học sinh của mình là “các bạn”, “các anh chị”, “các em”, vì tôi muốn các em học sinh biết là tôi tôn trọng, tôi muốn các em cùng tôi vượt qua những giới hạn của bản thân, tôi muốn các em tự tin vào khả năng của mình và lớn lên, tôi muốn được làm người bạn của các em trong hành trình chinh phục thế giới tự nhiên, xã hội và tư duy.
Có người đã nói rằng, trên đời này có hai nghề cao quý nhất, đó là nghề giáo và nghề y. Một nghề là rèn người, một nghề là cứu người. Tuy nhiên, đôi khi có người cả đời không cần đi đến bác sĩ một lần nào. Nhưng thử hỏi có ai trong chúng ta mà trong suốt cuộc đời không cần học một chuyện gì, không cần ai dạy cho một điều gì? Hơn nữa, người thầy thuốc giỏi cứu được vạn kiếp người cũng cần có một người thầy giỏi!
Nhà thơ Xuân Định viết:
“Bao lữ khách đi về trên bến vắng,
Người sang sông, ai nhớ bến sông đời.
Từng dòng chữ suốt một đời lặng lẽ,
Mãi âm thầm như bụi phấn rơi rơi.”
Mọi người thường hay ví người giáo viên như người lái đò chở khách sang sông, qua sông rồi có mấy người ngoảnh lại. Với tôi, tôi lại nghĩ khác. Bởi lẽ, bến sông đời lữ khách chẳng mấy ai nhớ đến nhưng bến sông tri thức thì con người dễ mấy ai quên, bởi lẽ sản phẩm tri thức mà nó mang lại đã trở thành hành trang để người lữ khách mang theo suốt cả đời mình. Hơn nữa, dạy học không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình thương, niềm vui của người giáo viên, không chỉ là niềm vui của cá nhân mình mà còn là niềm vui của học trò, niềm vui của xã hội, tôi vui khi biết kiến thức được mình trang bị có ích cho học sinh tôi, giúp học sinh tôi thành đạt, hạnh phúc và tôi buồn khi biết học sinh mình lầm lạc, sa ngã… có nghề nghiệp nào vinh dự, hạnh phúc và có những cung bậc tình cảm như nghề giáo không?
Để sáng tỏ hơn, chúng ta thử so sánh kiến thức với hàng hóa, học trò với khách hàng. Hàng hóa bán đi sẽ như thế nào đây? Còn kiến thức, dĩ nhiên con người sẽ mang theo từ các trường tiểu học, vào trung học, lên đại học… và mang theo suốt cả cuộc đời mình.
Cuộc sống của người giáo viên bây giờ có rất nhiều lo toan, thầy cô giáo phải ngập chìm vào những bộn bề của lợi danh, tính toán, đôi khi có một số người phải bán mua cả trí tuệ, tâm hồn và đạo đức. Nhiều người còn chua chát bảo rằng, đã chấp nhận nghề giáo là chấp nhận cái nghèo, chấp nhận sự thua thiệt của bản thân trong đời sống thực tại vốn đang đề cao những giá trị lợi danh, vật chất…
Tôi biết, cuộc sống không chỉ có hoa hồng mà còn có cả bánh mì, không chỉ có đời sống tinh thần mà còn cần lắm những điều kiện vật chất. Tuy nhiên, nếu ai coi nghề giáo là nghề để làm giàu sẽ rất dễ sa ngã, sẽ biến giáo dục thành một hoạt động mua bán. Lúc đó, sẽ không hoàn toàn tâm huyết để làm nghề. Phần thưởng do nghề giáo mang lại không phải là tiền. Nếu chỉ là tiền, nghĩ đến việc làm sao kiếm được nhiều tiền, đừng nên làm nhà giáo.
Nhân ngày nhà giáo Việt Nam , tôi mong sao tất cả các thầy cô giáo sẽ luôn đủ sức khoẻ, thừa hạnh phúc và yêu thương, với tất cả say mê, hết lòng vì học sinh thân yêu cho đến khi rời bục giảng. Tôi cũng mong sao xã hội tạo mọi điều kiện cần thiết để các thầy cô giáo có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, toàn tâm toàn ý vì sự nghiệp “trồng người”, để nghề giáo mãi mãi là nghề cao quý nhất./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét