2012/02/08

LỜI KHUYÊN

Các em thân mến!
Chọn nghề - chọn tương lai trong bất kỳ hoạt động nào, yếu tố con người luôn là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại. Chính vì thế, vấn đề con người luôn được đặt lên hàng đầu. Với một vị trí và công việc thích hợp, con người có thể phát huy được tất cả những ưu điểm của mình.
Hướng nghiệp là định hướng phát triển con người trong nghề nghiệp để con người đó có khả năng phát triển bản thân một cách tốt nhất, đóng góp toàn diện nhất cho gia đình, xã hội.
Thực tế hiện nay có rất nhiều học sinh đang bị mất phương hướng và rất lúng túng trong việc chọn ngành nghề sao cho phù hợp. Website tuvanhuongnghiep.vn được xây dựng nhằm phần nào hỗ trợ công tác giáo dục hướng nghiệp, đồng thời giúp các bạn học sinh định hướng chính xác hơn về nghề nghiệp tương lai của mình.
Chọn cho mình một nghề nghĩa là chọn cho mình một tương lai. Việc chọn nghề thực sự quan trọng và vô cùng cần thiết. Chọn sai lầm một nghề nghĩa là đặt cho mình một tương lai không thực sự an toàn và vững chắc.
Chúc các em luôn thành công!
Sau đây là những thông điệp mà bộ phận tuyển sinh muốn gởi gắm đến các em:
Điểm tựa chủ yếu của quá trình dựng xây một sự nghiệp không phải nằm ở nghề nghiệp hay ở “tam bảo” (thiên thời, địa lợi, nhân hòa). Nó nằm tại cõi sâu trong lòng người lập nghiệp. Cái “cõi sâu” ấy tự mình phải biết khám phá, biết khai phá và biết vận dụng, mới thành công. Nếu bạn chưa tự khám phá được “cõi sâu” đó, hãy tìm đến chuyên viên trắc nghiệm hoặc tư vấn tâm lý để được giúp đỡ.
(Thông điệp của một tổ chức hướng nghiệp ở Đài Loan)
Chọn nghề không nên chỉ căn cứ vào sở thích hay nguyện vọng. Sở thích (dù là thích đến tột đỉnh) cũng chưa hẳn là sở trường đích thực. Mặt khác, nếu có sở thích mà chỉ nuôi dưỡng nó bằng sự đam mê chứ không bằng sự dày công luyện tập và chí thú học hỏi, thì sớm muộn sở thích đó cũng sẽ bị “giã từ”.
(Nguyễn Khắc Viện)
Đỉnh cao chót vót và huy hoàng tới đâu cũng phải được xây (hoặc được phóng lên) từ dưới thấp. Hướng nghiệp cũng thế, phải đi từ căn bản. Sự căn bản hình thành từ những nghiệp vụ căn bản và những thái độ căn bản khi học nghề và hành nghề. Chúng giúp cho người hướng nghiệp tự xây dựng một nền móng vững chắc cho lâu đài sự nghiệp về sau.
(Lời của một nhà tuyển dụng tại Công ty Kiểm toán Quốc tế Coopers & Lybrand AISC)
Việc trúng tuyển vào một trường đào tạo nào đó không đồng nghĩa với việc phù hợp ngành nghề mà trường đó đào tạo. Nói cách khác: người trúng tuyển (dù trúng tuyển ở mức thủ khoa) vẫn có thể là người vô tình đã chọn lầm nghề!
(Thông điệp của một tổ chức hướng nghiệp ở Singapore)
Trong hướng nghiệp và việc làm, số lượng bằng cấp chưa nói được gì nhiều. Chất lượng sẽ thay mặt số lượng để nói lên những điều xác tín.
(Lời của một nhà tuyển dụng tại Công ty Unilever)
Nếu mộng nghề cao mà chưa thực hiện nổi, hãy đi từ nghề thấp mà gây dựng dần. Đừng cố chạy khi đi chưa vững. Đừng xây lâu đài khi chưa có nền móng, với những viên gạch và cốt thép đầu tiên.
(John Dewey)
Nghề không thiếu; chỉ thiếu người chí thú với nghề, phù hợp với nghề. Việc không thiếu, chỉ thiếu người biết tự kiếm việc mà làm. Không ham làm những việc nhỏ mà bổ ích, thì không đủ sinh khí để làm được một việc lớn có ích.
(Honda)
Đặc điểm cá nhân không phù hợp với việc theo đuổi một ngành học bậc cao, lại cố tâm đeo bám học hành và thi cử vào ngành đó, chắc chắn sẽ thất bại, giống như bệnh đã nặng còn tiếp tục uống sai thuốc!
(Thông điệp của một tổ chức hướng nghiệp ở Nhật Bản)
Hướng nghiệp sai còn tệ hơn không hướng nghiệp, cũng như đi lạc đường không bằng chẳng đi, giống như đi loạng quạng mà vấp ngã thì khổ hơn ngồi một chỗ. Tuy vậy, cũng đừng sa vào tình trạng “lỡ chọn giày” không vừa chân mà lại không dám đổi giày. Cũng thế, nếu chọn lầm nghề, hãy mạnh dạn thay đổi nghề, hơn là cứ phải theo đuổi một nghề không phù hợp.
(Thông điệp của một tổ chức hướng nghiệp ở Hàn Quốc)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét