2012/04/14

Mã nguồn mở và quan điểm "Cái tủ lạnh"

Có lẽ hiện nay ít có giáo viên nào không hoặc chưa từng nghe nói về phần mềm mã nguồn mở. Đúng như tên gọi của nó, phần mềm mã nguồn mở được cộng đồng những lập trình viên chuyên lẫn không chuyên cùng nhau phát triển, được cả cộng đồng kiểm tra, dò lỗi.

Vì vậy ưu điểm cực kỳ lớn của phần mềm nguồn mở là hoàn toàn minh bạch và được cập nhật thường xuyên!
Vậy phần mềm nguồn mở có tác dụng như thế nào đối với các cơ quan, đơn vị  nhất là các đơn vị giáo dục?
Ảnh minh họa (imcredel.com)


Ở đây tác giả xin được nói đến mã nguồn mở chạy trên nền Linux, vì trên nền tảng Windows vẫn có rất nhiều phần mềm nguồn mở và miễn phí.

Phần mềm nguồn mở bao gồm rất nhiều loại, từ phần mềm hệ thống, phần mềm văn phòng, tiện ích, công cụ,... và nổi bật trong đó phải kể đến hệ điều hành nguồn mở Ubuntu, Linux Mint, bộ phần mềm Open Office, Libre Office, phần mềm xử lý ảnh Gimp, phần mềm vẽ ảnh Inkscape,... Hiện có rất nhiều rất nhiều những phần mềm nguồn mở chạy trên nền hệ điều hành Linux nói chung đáp ứng được nhu cầu mọi đối tượng người dùng, cho mọi điều kiện, đòi hỏi công việc và việc đòi hỏi về cấu hình phần cứng cũng rất đa dạng tùy thuộc vào gói phần mềm và điều kiện cơ sở vật chất

Đối với môi trường giáo dục thì việc áp dụng mã nguồn mở là vô cùng cấp thiết và thực tế giúp các em học sinh tiếp cận tích cực với một xu hướng công nghệ mới đầy tiềm năng, và đương nhiên tiết kiệm được một khoảng chi phí không hề nhỏ cho nhà trường, tận dụng tối đa các cơ sở vật chất, các linh kiện máy tính đã lỗi thời, lạc hậu.

Bên cạnh đó, nếu sử dụng phần mềm nguồn mở chúng ta có thể chủ động hoàn toàn các công việc mà phần mềm thực hiện. Ví dụ, khi việc quản lý có yêu cầu hoặc quy định mới, người sử dụng có thể thay đổi nhanh chóng mã nguồn của phần mềm cho phù hợp, sau đó cập nhật phần mềm và đáp ứng tốt nhu cầu công việc.

Ưu điểm đã thấy rõ! Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận rõ thực trạng về trình độ công nghệ thông tin của lực lượng cán bộ, giáo viên, công nhân viên hiện nay!

Đây chính là những đối tượng chủ yếu của Microsoft, của hệ điều hành Windows và bộ phần mềm Microsoft Office. Không phải ngẫu nhiên mà Microsoft trở thành kẻ dẫn đầu trong ngành công nghiệp phần mềm, trở thành hãng phần mềm lớn nhất thế giới. Họ luôn tìm cách giúp cho người làm việc cần có thời gian ít nhất để có thể làm được nhiều việc nhất với những sản phẩm của họ mà không đòi hỏi nhiều về kiến thức máy tính.

Bởi vì đa số người dùng doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị điều ít chú trọng đến công nghệ mà chỉ quan tâm đến chất lượng và hiệu quả công việc. Nếu mỗi ngày phải bỏ ra vài giờ để tìm hiểu, cập nhật cho phần mềm của mình, có lẽ đa số người sẽ chọn giải pháp mua gói phần mềm bản quyền để sử dụng vài giờ ấy cho công việc.

Có thể ví máy tính như cái tủ lạnh! Khi ta mua máy tính về nó tựa chư chiếc tủ lạnh hoàn toàn trống rỗng và vô ích.

Nếu sử dụng nguồn mở, ta sẽ phải tự đi bắt cá, tự đi hái rau, sau đó sơ chế, đưa vào bảo quản và từ đó chế biến các món ăn. Nếu sử dụng phần mềm bản quyền, tựa như chúng ta vào siêu thị, chọn cho mình những món đã sơ chế sẵn, thậm chí đã chế biến tương đối hoàn chỉnh chỉ cần vài bước đơn giản cộng với khả năng sáng tạo là chúng ta có thể tạo ra những món ngon. Các món ở đây có thể hiểu là các văn bản, các file dữ liệu, các dữ liệu media,...

Qua đó có thể thấy, để có thể tự tay đi "bắt cá, hái rau", chúng ta cần một kiến thức nhất định về máy tính và phần mềm. Điều này cần được sự hỗ trợ từ cấp trên, từ cán bộ quản lý từ khâu tập huấn sử dụng đến kỹ năng phối hợp làm việc, đưa ra các chuẩn về dữ liệu,... Và trên hết, mỗi cán bộ, giáo viên cần nâng cao hơn nữa kiến thức về máy tính và thông tin để có thể điều khiển được cỗ máy "siêu cấp" mã nguồn mở.

Và cũng thật lý thú khi chúng ta biết rằng: Gần như tất cả các phần mềm nguồn mở, miễn phí trên Linux đều có phiên bản dành cho hệ Windows! Và đương nhiên, nó cũng miễn phí!

Đây là bài viết mang tính tham khảo, thể hiện ý kiến của cá nhân. Rất mong nhận được phản hồi, đóng góp để cùng nhau học hỏi nhiều hơn.

1 nhận xét:

  1. Giáo viên nghĩ gì về hệ điều hành nguồn mở?
    Chồng tôi rất đam mê công nghệ. Anh ấy cũng đam mê hệ điều hành nguồn mở Linux. Từ năm 2003 là anh đã cài Linux vào máy tính của mình, nhiều đêm thức đến 2,3 giờ sáng để lập trình. Anh mê đến bỏ quên cô vợ như tôi. Các tài khoảng mail của anh cũng có hình bóng Linux: kidlinux,...
    Dạo ấy tôi gần như ghen với Linux, anh phì cười "để anh dạy cho vợ". Một tuần, một tháng, rồi một năm tôi vẫn không thể một mình thao tác với hệ điều hành này. Mặc dù tôi cũng là dân biết tin học_học sư phạm lí tin mà. Vậy mà tôi không thể nào tự thao tác được, nếu không có anh bên cạnh. Tôi chịu thua.
    Tôi cũng có kiến thức cơ bản về tin học mà còn cảm thấy khó đến thế. Vậy những GV dạy Văn, Sử,... liệu có dễ dàng thao tác với hệ điều hành mở này không? Cần bao nhiêu thời gian mới thành thạo như Windows. Cần bao nhiêu thời gian mới hoàn thành một file dữ liệu? Tôi thì luôn có chuyên gia bên cạnh, còn thầy cô khác thì sao? Chắc phải thuê thêm một kỹ thuật viên theo trở giảng. Thà bỏ tiền ra mua bản quyền sướng hơn.
    Tôi nghĩ Ban lãnh đạo của ngành GD cũng từ giáo viên mà ra. Nên hơn ai hết họ cũng hiểu giáo viên mình có rất ít thời gian, cần những gì tiện dụng, Ban lãnh đạo sẽ không nỡ làm khó cho ta đâu.

    Trả lờiXóa